Dành tặng những bạn trẻ đang trăn trở với vận mệnh của đất nước.
Từ bài viết này để thấy toàn cảnh vĩ mô kinh tế Việt Nam trong khu vực Đông Á & Chuỗi cung ứng, từ đó thấy được các xu hướng thị trường BĐS.
Bài viết số 8 – bài cuối - trong Series 8 bài viết Lược sử Siêu cường thế giới :
KHÁT VỌNG VIỆT NAM!
Có khi nào bạn đặt câu hỏi : Tại sao Việt Nam – một dân tộc luôn có Ý CHÍ LỚN, bất khuất, kiên cường, và vô cùng ĐOÀN KẾT cùng nhau trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc và giữ gìn bờ cõi – lúc khó khăn, nguy nan với chiến công vang dội địa cầu nhưng lại CHIA RẼ trong hòa bình, thường bội tín nhau trong làm ăn kinh tế - cùng nhau cổ đông kinh doanh?
Tại sao lớp người siêu giàu, mới xuất hiện sau 30 năm đổi mới – một thế hệ tinh hoa mới nhưng chưa thật sự tinh hoa, và dẫn dắt cả dân tộc cùng nhau đoàn kết phát triển đất nước?.
Tại sao những nước cùng trong khối văn minh Đông Á, cụ thể là Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đã phát triển vược bậc, mà chúng ta vẫn mãi lẹt đẹt phía sau?
Phải chăng những nước này đã thích ứng được với thời cuộc, đã chớp được cơ hội mà chúng ta chưa có, đã định hình được căn tính dân tộc mới với những giá trị phù hợp, nhưng vẫn giữ được cốt hồn giá trị truyền thống ?. Người dân các nước này đều hết sức tự hào với nguồn cội của họ, và cùng đồng lòng tạo lên khát vọng xây dựng đất nước – điều này xuất phát từ đâu?
Có thể thấy các nước Đông Bắc Á này đều dựa trên các giá trị Nho giáo : nghĩa khí trong kết giao, thành tín khi hợp tác, hiếu nghĩa trong gia đình, đoàn kết để học hỏi, thích ứng với các giá trị phương Tây phù hợp – để cùng nhau tiếp thu thần tốc kiến thức khoa học, kỹ thuật, chinh phục các rào cản phát triển kinh tế.
Phải chăng chúng ta vì tư tưởng thoát Trung, vội vã xóa bỏ hết tất cả các giá trị xưa cũ, trong khi chưa kịp xây dựng một nền móng giá trị mới - văn hóa mới để làm chỗ dựa luân lý, chỗ dựa về cố kết xã hội để phát triển?
Câu trả lời mình đã tìm thấy sau khi lật lại những trang sử, những giai đoạn đã qua trong 500 năm lịch sử phát triển của sự dịch chuyển giá trị, sự tiến bộ từ phương Tây tới phương Đông mà mình đã chia sẻ cùng với các bạn từ bài viết số 1 tới bài viết số 7, nhằm tìm ra những mảnh ghép quan trọng, những quy luật chủ yếu của Thịnh vượng.
Vận mệnh một quốc gia, một xã hội, một dân tộc cũng giống với vận mệnh của một con người cụ thể, cần có những thuộc tính của người thành công – tức những thuộc tính chung, phổ biến đại diện cho dân tộc đó – một căn tính dân tộc biết thích ứng, thay đổi tiến bộ, bứt phá để giành lấy cơ hội cho mình.
Làm thế nào để Việt Nam trở thành một nước phát triển, có mức sống cao, ngay lập tức nhiều người nghĩ tới ngay việc du nhập mô hình xã hội của các nước phương Tây – Dân Chủ - bầu cử phổ thông đầu phiếu, tam quyền phân lập – như một phương thuốc trị bách bệnh, chữa lạc hậu và nghèo đói - trong khi chưa kịp nhìn Dân Chủ ở Ấn Độ, In Đô, Philippines áp dụng khiên cưỡng, méo mó ra sao?
Dân chủ trình diễn – dân chủ dân túy là rào cản khiến cho một Quốc gia không thể có được sự tập trung cần thiết, nhằm thổi tung những giá trị xưa cũ lạc hậu, xây dựng hạ tầng xương sống ở bước đầu của CẢI CÁCH - khi mà phần lớn người dân chưa có được mức sống trung lưu, chưa được giáo dục đầy đủ, và cũng chưa hiểu các giá trị dân chủ phổ quát phát triển 500 năm qua của Phương Tây nó hình hài như thế nào.
Cho dù đã đa phần người dân đã được giáo dục rồi, no ấm rồi - như Trung Quốc - thì liệu một tư tưởng của các nhà hiền triết Phương Tây như “Chính trị luận” của Aristotle liệu có thể ngay lập tức được tiếp nhận trong đa phần người dân - có lề lối, thói quen suy nghĩ, phong tục hình thành trong mấy ngàn năm, hằn sâu trong não trạng của người Phương Đông?
Mọi chuyện đều có lý do, thời vận chính là đúng thời điểm. Chúng ta phải học từ sự thích ứng các giá trị mới của Phương Tây từ các quốc gia phát triển Phương Đông trong vòng 500 năm qua ở 7 bài viết trước. 500 năm thì quá dài, nhưng 50 năm thì cũng thật là ngắn, và 50 -100 năm cũng là thước đo chủ yếu về sự tụt hậu của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Và bây giờ chúng ta cùng xem lại một thước phim quay chậm với các sự kiện quan trọng diễn ra trong vòng 100 năm qua, liên quan tới vận mệnh Việt Nam để nhìn thấy Bản đồ thời cuộc.
1. CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC THIÊN THỜI?
Các bạn nhìn vào tấm hình mình vẽ - tưởng tượng một không gian địa lý - toàn bộ khu vực Đông Á, bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á và nhìn thấy một hình ảnh ẩn dụ : đầu thế kỷ 20 ở khu vực Đông Á có một Con nhạn Độc cô cầu bại đầu đàn đầu tiên- nước Nhật.
Người Nhật đã nhìn thấy súng ống của người Bồ Đào Nha từ năm 1541 ngay lập tức có nền công nghiệp sản xuất súng, đã học hỏi theo người Hà Lan tuy có lúc cấm hải với Phương Tây tới 200 năm.
Cú nổ đại bác ép mở hải cảng Nhật 1853-1854 của người Mỹ đã khiến Nhật Bản bừng tỉnh, tiến hành Minh Trị Duy Tân bắt đầu từ 1868 - hợp tác với tất cả các nước phương Tây giao thương, mở công ty, nhà máy và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất theo thương quyền.
Vì đã học theo Phương Tây trước đó, nên chỉ sau 30 năm Nhật phát động cải cách toàn diện theo Phương Tây, phong trào khuyến học toàn dân, học các môn khoa học phương Tây nhưng vẫn giữ cốt tính dân tộc Nhật dựa trên Nho giáo. Nhật đã chiếm Đài Loan 1895 thắng Nga năm 1904, xâm chiếm Triều Tiên 1910, và gây dựng các cơ sở công nghiệp, truyền bá kiến thức, công nghệ tới Đài Loan và Triều Tiên - thuận lợi nhờ khoảng cách gần, đã giúp 2 nước này có nhiều kỹ năng công nghiệp cao hơn Việt Nam thuộc Pháp cùng thời điểm.
Việt Nam là thuộc địa của Pháp từ năm 1884 tới 1945, thì giai đoạn này Pháp đã là một siêu cường quá vãng – đang trên đà suy tàn, Pháp bị Đức chiếm năm 1940, các đế quốc công nghiệp đang lên hiện tại là Anh, Mỹ, Nhật.
Vì thế, mặc dù được Pháp xây dựng phần lớn hạ tầng, truyền bá phương thức sản xuất mới, gia tăng phát triển kinh tế nhanh chóng, nhưng các cơ sở công nghiệp ở Việt Nam hầu hết còn nghèo nàn. Chỉ có nền giáo dục tiên tiến của Pháp đến Việt Nam đã giúp nhiều nhà khoa học đầu thế kỷ 20 có tầm đẳng cấp thế giới, sau này một số phục vụ cho chính phủ mới Việt Minh.
Tương phản với thế hệ nhà khoa học hậu bối theo học tại Đông Âu thì đa phần là con em cán bộ hoặc chăng có giỏi đi nữa, nhưng sau khi sang Đông Âu học thì mải mê làm kinh tế, được nước bạn châm chước cho tốt nghiệp - như chính sách ưu đãi của chúng ta hiện nay với sinh viên dân tộc thiểu số.
1937 Nhật chiếm Trung Quốc, Mỹ yêu cầu Nhật rút khỏi Trung Quốc của Quốc Dân Đảng nếu không sẽ cắt nguồn cung dầu, Nhật không rút, Mỹ cắt dầu, và 1941 Nhật đánh Trân Châu Cảng. Nước Mỹ thời điểm này là nước cung cấp dầu lớn nhất thế giới, năm 2019 Mỹ cũng đã trở lại ngôi vị này – nhà cung cấp khí hóa lỏng LNG số 1 thế giới – điều khiến Mỹ sẽ ngày càng giống Nga hơn, và cạnh tranh thị trường với Nga trong thế kỷ 21.
1945 Đức đầu hàng đồng minh và Liên Xô, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử vào Nhật, Nhật đầu hàng, Mỹ chiếm đóng Nhật và xây dựng hiến pháp mới, bỏ vai trò thống trị của Thiên Hoàng, biến Nhật thành nước Quân chủ lập hiến. Mỹ đổ tiền vào Nhật, nhằm phục hồi nước Nhật theo kế hoạch Marshall, đối trọng với cực đông của Liên Xô và Trung Quốc.
Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ 1950-1953, Nhật có cơ hội phục hồi nhanh các nhà máy sản xuất hàng hóa cung cấp cho cuộc chiến. Sau chiến tranh Triều Tiên thì cả Nhật và Hàn Quốc đều được nhận dòng vốn đầu tư, chia sẻ công nghệ, và ưu đãi xuất hàng vào thị trường Mỹ.
Nhật Bản - Con Nhạn đầu đàn đã phục hồi thần kỳ sau thất bại, dưới nó giờ đây có Hàn Quốc, phía dưới nữa có Hong Kong, Đài Loan - 2 địa điểm từ khi bắt đầu nội chiến Trung Quốc tới 1949 thành lập CHND Trung Hoa đã thu hút nhiều người trong giới tinh hoa, thương nhân buôn bán từ khắp các tô giới, thành thị đại lục chạy ra đây.
Thập niên 1950-1970 đàn nhạn bay - ở đó, Nhật dẫn đầu phát triển nhanh chóng vượt bậc nhờ có sự tương đồng về chủng tộc, văn hóa, hành vi giao tiếp xã hội – Nho giáo, học hỏi nhau về kinh doanh, nhận thương quyền của nhau và Mỹ, bảo hộ cho các ngành công nghiệp non trẻ.
Đài Loan, Hàn Quốc nhanh chóng nhận phân công lao động, sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi, gia công may mặc v.v. cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Hong Kong còn thêm vai trò kết nối tài chính các cựu đế quốc phương Tây và khối thịnh vượng Anh với các con nhạn trong đàn.
Những năm 60-70 hàng hóa tiêu dùng của Nhật như dệt may, sắt thép, máy công cụ, gia dụng v.v. đều bị coi là hàng hóa chất lượng kém - rẻ tiền, bởi lẽ Nhật đang lấy đi phần công việc của các phân khúc rẻ tiền hàng hóa Mỹ nhằm xâm nhập thị trường.
Nhật phát triển công nghệ điện tử - thời kỳ đầu của kỷ nguyên SILICON, hàng gia dụng giá rẻ cạnh tranh, đặc biệt ô tô cỡ nhỏ tiết kiệm xăng hơn, tăng lên đột biến so với các dòng xe cồng kềnh của Mỹ sau khủng hoảng dầu mỏ 1973.
Cũng giống như Trung Quốc giai đoạn sau 2010 bùng nổ về sản xuất và phổ biến điện thoại di động giá rẻ, tiến tới chiếm lĩnh phân khúc giá cao hơn - thì Nhật 1970-1980 làm bùng nổ các thiết bị mới trong ngành công nghiệp mới như radio, cassette, máy chụp ảnh bỏ túi, thiết bị điện máy, điện lạnh v.v. có tích hợp con chip điều khiển điện tử, do hãng Bell phát minh 1957 - nhưng người Nhật đón đầu và đạt được thành tựu. Đây là lý do chính khiến cho cán cân thương mại của Mỹ với Nhật bị thâm thụt mạnh.
Sau năm 1945 Pháp không muốn buông Đông Dương, quyết tâm phân định tại Điện Biên Phủ năm 1954 với Việt Nam, Pháp thua phải di dân công giáo miền Bắc vào Nam để xây dựng lực lượng.
Mỹ thế chân Pháp vào Đông Dương nhằm giữ Việt Nam chia đôi tại vĩ tuyến 17 giống với tình trạng sau chiến tranh Triều Tiên 1953. Mỹ đầu tư, rót vốn mạnh vào miền Nam muốn biến miền Nam Việt Nam giống như Hàn Quốc.
Nhưng Việt Nam có Hồ Chí Minh, nổi dậy mùa xuân năm 1968 với những hình ảnh chấn động tại Sài Gòn, phong trào hippie phản chiến của thế hệ trẻ phá cách nổ ra khắp các nước Phương Tây và Mỹ lan rộng.
Các nhà tư bản Mỹ từ Sài Gòn vội vã di chuyển ra các con nhạn Đông Á, nơi xuất hiện một con nhạn mới, giữ vị trí trọng yếu trung tâm Đông Nam Á, ngõ hầu nút thắt cổ chai Malacca - tuyến hàng hải huyết mạch chính vào không gian sinh tồn, bầu trời bay của đàn nhạn - đó là Singapore, một quốc đảo đa phần là người Hoa tách ra độc lập từ Malaysia năm 1965.
30-4-1975, Sài Gòn thất thủ cũng là ngày Singapore quyết định xây dựng sân bay quốc tế Changi - nhanh chóng lấp vào chỗ trống - vị trí luân chuyển hàng không tất bật bậc nhất Châu Á của Tân Sơn Nhất.
Lý Quang Diệu đã sớm nhận thấy thời cơ biến Singapore thành một trung tâm kết nối tinh hoa vùng - ốc đảo dừng chân đẳng cấp của người Phương Tây giống như Hong Kong, trên hành trình đi tìm kiếm sự thịnh vượng - kết nối các nhà mại bản hàng đầu trong Đông Nam Á.
Để chớp lấy cơ hội, cũng giống như Nhật, Đài Loan khởi động công nghiệp hóa thập niên 50, Hàn Quốc thập niên 60, Singapore với đảng cầm quyền PAP - tập quyền thống trị chính giới, xây dựng chính phủ mạnh thực thi các quyết sách thần tốc, quyết liệt về xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách trọng dụng nhân tài, đặc biệt với việc quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.
Với vị trí đặc biệt mà đa phần người Sing biết ít nhất 2 ngoại ngữ trở lên như Anh - Trung, cùng với tiếng Mã Lai, Ấn, Tamil. Kế thừa từ người Anh hệ thống lập pháp, hành pháp, quản trị tiên tiến, sự hỗ trợ của người Mỹ lập trung tâm tài chính, người Isarel về xây dựng quốc phòng để độc lập giữa 2 nước hồi giáo hùng mạnh. Sing đã sớm định hướng xây dựng con người, công dân đẳng cấp quốc tế nhằm thực hiện công nghiệp hóa trở thành nước phát triển duy nhất trong Asean.
Thập niên 70 là thập niên phát triển ngoạn mục của máy bay phản lực khổ rộng Boeing khiến cho việc chuyển người, chuyển hàng trở nên nhanh chóng - hỗ trợ cho triết lý Just In Time của người Nhật.
Có thể thấy do có vị trí gần Nhật Bản, sự tương đồng gần gũi về văn hóa chủng tộc, cùng thuộc khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật, có sẵn lực lượng tinh hoa – kinh nghiệm nền tảng tiền công nghiệp trước chiến tranh.
Cùng chia sẻ giá trị Nho giáo – một mạng lưới hợp tác dựa trên lòng tin, thực hiện nghiêm chỉnh các khế ước - phù hợp văn hóa 5S, KAIZEN và có lợi ích từ chuyên môn hóa, cùng tận dụng làn sóng không vận giá rẻ. Khiến cho các chi tiết quan trọng, các hóa chất đặc biệt, các con chíp tinh vi, điện tử công nghệ cao, các bộ phận cốt yếu nhỏ gọn của động cơ v.v. có thể chuyển bằng đường hàng không được sản xuất chủ yếu tại các con nhạn tiên phong Nhật, Hàn, Đài Loan.
Thập niên 70-80 các hoạt động sản xuất phải sử dụng nhiều lao động và có giá trị gia tăng thấp như dệt may, các dây chuyền lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và logicstic v.v - Nhật hầu hết chuyển xuống cho các nền kinh tế mới nổi NIEs: Hàn Quốc , Đài Loan, Hong Kong và con nhạn thủ lĩnh tốp 2 – Singapore.
Singapore lúc này là trung tâm kinh tế, văn hóa của giới tinh hoa Đông Nam Á cùng với Thái Lan, In Đô –nhóm Asean-4. Bởi lẽ đa phần các công ty - kinh tế thương mại hàng đầu các nước láng giềng của Singapore đều thuộc sở hữu của người Hoa - di cư làm ăn buôn bán tới khu vực Asean từ sau chuyến đi của Trịnh Hòa và không ngừng tăng lên trong thời kỳ triều đại nhà Thanh, chiến tranh Trung Nhật và nội chiến Trung Quốc
Sing kết nối các thương nhân gốc Hoa giàu truyền thống giá trị Nho giáo ở khu vực và tái phân công, chuyển giao sản xuất các công việc thấp hơn tới các con nhạn mới của Đông Nam Á, giúp các nước này từ nước có thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình ở thập niên 90. Ngày nay số công dân gốc Hoa của các nước phân bố như sau: Sing có khoảng 5,4 triệu; Malaysia 7,1 triệu; Thái Lan 9,4 triệu; In Đô 6 triệu. (Nguồn Wiki)
Như vậy, Nhật nhờ cuộc chiến ở Triều Tiên để nhanh chóng tái phục hồi đứng dậy, nhờ những tin tức, hình ảnh khốc liệt cuộc chiến ở Việt Nam 1955-1975, với những cái giá vô cùng đắt mà một đế quốc cũ vẫn cố níu kéo can thiệp vào thuộc địa - mà các nước Asean-4 có cơ hội được Anh, Hà Lan trả độc lập trong hòa bình và phát triển kinh tế trước Việt Nam. Trong khi các nước này đang tưng bừng phát triển kinh tế, thì chúng ta oằn mình bị tàn phá bởi chiến tranh.
Thập niên 1970, Mỹ đã định hình việc phải rút khỏi Việt Nam để xoay trục về Trung Đông bảo vệ bản vị đồng Dollar trên bản vị dầu bằng thao túng các cuộc chiến tranh. Trung - Xô khác biệt lợi ích, Trung Quốc đã nhìn thấy và ham muốn sự thịnh vượng - giàu có của Nhật bản và các nước NIEs, 1972 Nixon thăm Trung Quốc, 1973 Mỹ rút hết khỏi quân tại Sài Gòn.
1975 Việt Nam thống nhất, 1976 Mao mất, Đặng nắm quyền. Đặng Tiểu Bình lấy vấn đề Việt Nam để thể hiện đã sẵn lòng bắt đầu con đường mới, tiến vào Thế giới tự do của Mỹ - hội nhập thị trường tự do - các mô hình sản xuất TBCN - đã thúc PonPot tấn công Việt Nam. Việt Nam phản công tấn công sang Campuchia nhằm lật đổ chính quyền PonPot .
1978 Đặng Tiểu Bình muốn học mô hình thu hút đầu tư, hệ thống pháp luật, công cụ quản lý thị trường, nên đã thăm Singapore trên đường thăm Mỹ và và dọn trước dư luận sẽ tấn công cái Trung Quốc gọi là “tiểu bá quyền” mới khu vực Asean chính là Việt Nam.
1979 Mỹ - Trung thiết lập quan hệ ngoại giao, các công ty Mỹ và Phương tây cùng các công ty của Nhật đổ vào Trung Quốc qua ngả Hong Kong.
1986-1989 các nước Đông Âu và Việt Nam khủng hoảng kinh tế, lạm phát lên tới hàng nghìn % và quyết định đổi mới, tìm con đường mới để tồn tại. Việt Nam không còn sự trợ giúp – viện trợ của Liên Xô, phải hội nhập thế giới để sống sót, 1989 Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
1991 Liên Xô cải cách đồng thời cả thể chế chính trị và kinh tế nên sụp đổ. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để thông thương, nhập hàng hóa thiết yếu đang vốn dĩ vô cùng thiếu thốn, để phát triển kinh tế.
Trung Quốc cũng trong làn sóng khủng hoảng kinh tế của khối XHCN, siêu lạm phát dẫn đến sự kiện Thiên An Môn. 1989 dẹp xong Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình tập trung quyền lực bằng máu, thúc đẩy cải cách nhanh hơn nữa, hội nhập nhanh hơn nữa tại các đặc khu khi công du các tỉnh phía Nam và đặc khu Thâm Quyến 1992 để đón làn sóng FDI lần thứ nhất. Đặng hiểu rằng tăng trưởng kinh tế, và ổn định xã hội đảm bảo cho tính chính danh của nhà nước không thua kém gì tính chính danh có được nhờ vào bầu cử giống như dân chủ Phương Tây.
1.1 Làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ nhất 1985-1995
Tới thập niên 1980 nền kinh tế Nhật và Tây Đức đã phục hồi và phát triển vượt bậc nhờ 30 năm nhận dòng vốn Mỹ, chia sẻ bí quyết công nghệ, thị trường với Mỹ - Nhật nhảy từ vị trí thu nhập trung bình đến thu nhập cao, trở thành nền kinh tế thứ 2 trong khối OECD chỉ sau Mỹ
Hàng hóa sản xuất ra từ khu vực đàn nhạn bay Đông Á do Nhật lãnh đạo - chiếm phần lớn - ồ ạt đổ vào Mỹ khiến cho thâm hụt tài khoản vãng lai Mỹ đạt mốc 3,5% GDP gần tương đương với con số thâm hụt của Mỹ năm 2021. Để xóa đi thâm hụt này Mỹ đã ép Nhật ký thỏa ước PLAZA làm đồng Yên tăng thêm 50% -100% giá trị nhằm giảm hàng hóa từ Nhật tới Mỹ.
Và đây là lý do chính ép Nhật phải mang đồng Yên tăng giá nhiều hơn, đẩy nhanh việc đưa các nhà máy sang các nước láng giềng dưới hình thức đầu tư nước ngoài FDI. Thứ nữa, là do khi một nền kinh tế đã lên mức thu nhập cao thì nguồn lao động trong nước trở nên đắt đỏ. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên – môi trường đã mất lợi nhuận biên, phải di chuyển sang nước có nhân công rẻ, quản lý môi trường lỏng lẻo - lạc hậu hơn để tồn tại.
Việc áp đặt sức mạnh của đồng tiền thống trị của nước siêu cường chỉ bằng một thỏa ước có thể làm đồng USD yếu đi, bơm nhiều hơn vào nền kinh tế thông qua cho vay, đồng nghĩa tạo sức ép và cả sự hấp dẫn khó cưỡng, giúp mở cửa các thị trường mới nổi.
Trên vai trò ông chủ mang tới nguồn vốn đầu tư, máy móc khai thác nhân công giá rẻ mang lại nhiều lợi nhuận cho cả người dân và chính phủ nước đang phát triển sở tại – đưa ra những lời đề nghị không thể từ chối - Mỹ đã chính thức mở ra chủ nghĩa Tân tự do - làn sóng Toàn cầu hóa thập niên 80.
1992 Đặng Tiểu Bình sớm nhận thấy cơ hội nhiều năm có 1 - liền khởi xướng học thuyết Kinh tế thị trường định hướng XHCN, 1994 luật doanh nghiệp ra đời. Đầu tư nước ngoài FDI đổ vào trung Quốc nhằm tận dụng chính sách mở cửa, nguồn cung ứng lao động rẻ dồi dào, và thị trường tiêu dùng mới nổi có lợi nhuận khổng lồ.
Lập tức khu vực duyên hải ven biển Trung Quốc, từ Đại Liên, Thanh Đảo, Sơn Đông tới, Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến - có lợi thế trước đây đã từng là các tô giới của Phương Tây, lại nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi - chuỗi ngọc trai tăng trưởng của các nước NIEs Hàn, Đài Quốc, Hong Kong, do Nhật – con nhạn dẫn đầu, tạo ra một vành cung hình nón - đón trọn lấy làn sóng FDI đầu tiên do Nhật mang tới.
Mỹ nhanh chóng theo chân Nhật chuyển vội vã các nhà máy ra khỏi Mỹ tới khu vực, để kiếm lợi nhuận khổng lồ từ thị trường hơn 1 tỷ dân thông qua cơ quan điều phối thương mại – các chuẩn tắc hội nhập tự do WTO, tổ chức bơm vốn World bank, IMF cùng với đồng thuận Washington.
Các trung tâm công nghiệp một thời của Mỹ nhanh chóng trở nên hoang phế, và người Mỹ giờ đây sau 40 năm đầu tư làm ăn tại Trung Quốc đã bán phần lớn các nhà máy cho người bản địa – tên Mỹ nhưng chủ là người Trung Quốc, và người Trung Quốc nhìn Mỹ giờ đây chỉ là một tay cho vay USD và bảo kê đòi nợ. Trong khi, chính giới tài chính Trung Quốc cũng học từ Mỹ, để giăng bẫy nợ với các nước kém phát triển hơn.
Thời điểm thập niên 90 Việt Nam chúng ta chính thức được hưởng hòa bình làm kinh tế - bình thường hóa quan hệ với với Mỹ và Asean năm 1995 bắt đầu mở cửa, đã đón một số nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chậm chạp nhỏ giọt. Nhà đầu tư hầu hết phải làm việc với lãnh đạo cấp cao nhất - do tư duy sợ người nước ngoài vào ảnh hưởng vấn đề an ninh quốc gia, và còn quá đặt nặng vấn đề phải liên doanh 49/51% với nước ngoài mà chưa khuyến khích FDI 100%.
Thêm nữa chúng ta không có cái nền tư duy cũng như quy mô cần thiết để công nghiệp hóa như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã được trợ giúp lớn từ Mỹ, Nhật trước năm 1945. Do vậy, chúng ta đã không sản sinh được một nhà lãnh đạo kiệt xuất - quyết liệt hơn – được sự ủng hộ của Quân đội để thực thi các bước cải cách mở cửa toàn diện như Đặng Tiểu Bình.
Công cuộc chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường hết sức chậm chạp ngoại trừ TP HCM - khu vực đã có nhiều người thuộc tầng lớp chuyên môn quản lý chế độ cũ. Lực lượng người Hoa - Chợ Lớn ở đây chớp ngay cơ hội khi đất nước mở cửa - linh động nhanh chóng kết nối với các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á làm kinh tế.
Chính vì vậy TP HCM nhanh chóng là trung tâm kinh tế năng động của cả nước. Lý do tại sao Tăng Minh Phụng – một doanh nhân người Việt gốc Hoa nhanh chóng đưa công ty Minh Phụng trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, sở hữu nhiều bất động sản nhất Việt Nam thập niên 90 - cùng với ngành may gia công, mang lại 1 tỷ đô la đầu tiên ngoài ngành dầu khí, ngành công nghiệp số 1 từ thời bao cấp.
Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội thu hút nhà máy Nhật trong làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ nhất, còn người Trung Quốc và người Thái thì không. Thái Lan cũng chớp cơ hội kéo được nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào điện tử, phụ tùng ô tô giai đoạn này. Nếu khi đó chúng ta chớp được thời cơ thì nay người Việt đã là trung gian, là cơ sở nối dài cho người Nhật ở 3 nước Đông Dương.
Đón được làn sóng FDI thứ nhất, sản lượng bình quân Trung Quốc tăng 10% liên tục từ thập niên 90 trong vòng 30 năm với dân số khổng lồ, thành công trong công nghiệp hóa và đô thị hóa. TQ đã trở thành trung tâm mạng lưới sản xuất của châu Á và đạt danh hiệu công xưởng của thế giới - soán ngôi vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ Nhật Bản năm 2010.
Có thể thấy sở dĩ Trung Quốc công nghiệp hóa thành công vì 3 lý do chính :
1. Phát triển nhân lực :
Đã có sẵn nền tảng kỹ trị, công nghiệp hóa lớn mà người Mỹ giúp chính quyền Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch từ 1900 – 1940, người Liên Xô giúp chính quyền Mao Trạch Đông từ 1940-1960. Có nhà lãnh đạo kiệt xuất tập trung trí tuệ toàn dân “Phú Quốc - Cường Binh” trên tinh thần “Vật vong – Quốc sỉ”. Từ đó sản sinh được lớp lãnh đạo kỹ trị, cùng giới học thuật, nhà quản trị tầm trung tài năng, lượng công nhân bậc cao đông đảo từ trong hơn 1 tỷ dân.
Bằng sự tập trung cao độ dựa trên dân số khổng lồ cho các trung tâm đại học mới Thanh Hoa, Bắc Kinh sớm đạt đẳng cấp thế giới, tạo phong trào cho du học sinh thập niên 70-80, trở về sau 90 - 2000 xây dựng đất nước, sao chép rượt đuổi công nghệ Phương Tây.
Chỉ sau 30 năm, tham gia vào chuỗi cung ứng do người Nhật và Mỹ tạo ra, bằng nguồn nhân lực tài năng đông đảo, đã vượt lên Mỹ khi nắm một số chìa khóa chủ chốt bước vào cuộc CMCN lần thứ 4 với cơ chế khai thác dầu mỏ số - Big Data và AI trí tuệ nhân tạo v.v.
2. Chiến lược đúng đắn
Trước tiên tập trung nguồn lực cả nước phát triển cho các đặc khu kinh tế, thành phố ven biển duyên hải phía đông, lấy lợi thế về quy mô khổng lồ của thị trường nội địa để ép các FDI chuyển giao công nghệ - rồi làm động lực lan truyền cho các thành phố khác học hỏi làm theo.
Tập trung nguồn lực trước hết cho hạ tầng cứng: mạng lưới giao thông cao tốc, năng lượng, truyền thông ICT v.v. và hạ tầng mềm: pháp luật, ưu đãi, đào tạo nhân lực tay nghề cao v.v.
Thập niên 90, Trung Quốc không thể áp dụng biện pháp bảo hộ nội địa giống như Nhật, Hàn, Đài Loan thực thi giai đoạn những năm 70, vì GATT đang đẩy mạnh thành WTO theo cơ chế tự do thương mại của Mỹ, lại không phải là đồng minh để được chia sẻ công nghệ nên Trung Quốc chỉ có thể dựa vào việc yêu cầu ràng buộc FDI chuyển giao một phần công nghệ khi đầu tư.
3. Thịnh Vượng chung để đoàn kết dân tộc
Trung Quốc luôn phát triển phạm trù kép Thành Phố - Nông Thôn, rất tương phản với Hàn Quốc chỉ tập trung ở thành phố dẫn đến bất bình đẳng sâu sắc và sự lộng quyền của các Cheabol.
Chính quyền thông qua các chính sách XHCN – thịnh vượng chung, thúc đẩy các tập đoàn đầu tư bảo trợ, khai phá song hành cùng nông thôn. Phát triển mạng lưới tàu cao tốc số 1 thế giới là để nhằm kết nối nhanh nông thôn với thành thị phục vụ đại chúng người dân với giá rẻ - nhanh chóng kết nối, phân công lao động và tạo ra việc làm, giảm bất bình đẳng - mâu thuẫn xã hội.
Từ 1992 tới khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, và chỉ tiếp sau đó 10 năm Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới năm 2010 và khát vọng trở thành con rồng đầu đàn trong một bàn cờ trật tự mới – Bản đồ con đường tơ lụa, khác với bản đồ Đàn nhạn bay như các bạn đang nhìn thấy.
Như vậy danh hiệu công xưởng thế giới do người Hà Lan xây dựng đầu tiên chủ yếu bằng nguồn năng lượng cối xay gió và các hải đội toàn cầu ở thế kỷ 18. Người Anh đưa lên tầm công nghiệp ở thế kỷ 19, và người Mỹ kế thừa vai trò công xưởng từ người Anh từ chiến tranh thế giới thứ nhất, thập niên 1960-1980 chuyển qua cho người Nhật, và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 người Trung Quốc đã kế thừa.
Thế kỷ 21, Trung Quốc chỉ cần giải quyết – làm nhẹ được vấn đề tham nhũng, suy thoái môi trường, chênh lệch thu nhập, bất bình đẳng giữa thành phố với nông thôn - vùng sâu trong nội địa. Sử dụng lợi thế cạnh tranh quốc gia của khu vực duyên hải ven biển phía đông, phía nam phát triển lên nấc thang công nghệ số 1 thế giới – xây dựng quốc gia điện tử đầu tiên của nhân loại - trở thành quốc gia phát triển – thành công Giấc mộng Trung Hoa.
Từ đó Trung Quốc tích lũy vốn và điều hành nguồn lực phát triển quy mô toàn cầu thông qua con đường tơ lụa – mạng lưới kết nối hữu hình, và tiền điện tử - mạng lưới kết nối vô hình để thiết lập trật tự mới về kinh tế.
1.2 Làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ hai 2008-2018
Thập niên 2000 chúng ta vẫn chưa hiểu sâu sắc bài học hút FDI mà Đặng Tiểu Bình nhận từ Lý Quang Diệu năm 1978 như sau :
Bí kíp của Singapore là tạo ra một ốc đảo tri thức – kết nối Đông Nam Á và Đông Bắc Á, kết nối Trung Quốc và Phương Tây.
Ngoài ra, cách Sing sử dụng vốn nước ngoài FDI thì giống như các nước NIEs khác. Sing hưởng lợi từ nhà máy do người nước ngoài xây dựng tại đây, trước hết thu được tiền cho thuê đất, tiền thuế. Thứ đến là thu nhập lao động thuộc về công nhân, và cuối cùng đầu tư nước ngoài làm nảy sinh các khu vực dịch vụ như lưu trú, giải trí, du lịch, thị trường bất động sản v.v.
Nguồn vốn vay, ngân sách thu được giai đoạn đầu thu hút FDI được dồn lực phần lớn– điều cực kỳ quan trọng – là tiếp tục đầu tư mạnh quyết liệt cho hạ tầng phát triển giao thông, bến cảng, giao vận, kho bãi, thương mại v.v làm bùng nổ hạ tầng phần cứng, và cải cách thể chế hạ tầng phần mềm như pháp luật, đầu tư cho giáo dục, hút thêm FDI giai đoạn 2.
Lợi ích vô hình nhưng có vai trò to lớn cho sự phát triển FDI đó là sự rèn giũa kỷ luật công nghiệp – văn minh dân sự và đào tạo tại chỗ Train On Job mà FDI mang đến giúp nâng cao chất lượng nhân lực song hành cùng hệ thống giáo dục quốc gia. Sự lan truyền trí tuệ, đổi mới sáng tạo sẽ tăng tốc nếu chính phủ nhân cơ hội này tập trung nguồn lực vào đào tạo đại học, khoa học cơ bản để nắm bắt công nghệ đón đầu, giúp nền kinh tế sớm chuyển sang giai đoạn đổi mới sáng tạo.
Tiến trình tiếp tục tăng tốc khi chính phủ liên tục cải cách thủ tục thuận lợi, tăng niềm tin chính trị, bảo vệ các chỉ số vĩ mô và an ninh cho sự đầu tư lâu dài của FDI bằng một chính phủ liêm chính - hiệu quả - trách nhiệm & trọng dụng nhân tài – cơ sở xây dựng NIỀM TIN cho sự hấp dẫn – năng lực cạnh tranh của một quốc gia.
Khi các FDI đã hình thành 1 hệ sinh thái mà bản thân quốc gia đã có nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ một phần hoặc phần lớn các công đoạn trong chuỗi cung ứng này, là quốc gia đó đã công nghiệp hóa thành công và dễ dàng vượt bẫy thu nhập trung bình.
Như vậy con đường của các nước trong khu vực và chính sách công nghiệp của mỗi nước thích ứng với mỗi thời kỳ nhìn trên bản đồ đàn nhạn bay là khác nhau, nhưng cơ hội tuần tự đến với mỗi quốc gia là giống nhau, sự thành công là tùy thuộc vào sự nắm bắt vận hội của quốc gia đó.
Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 bắt đầu từ Mỹ, với sự kiện phá sản của ngân hàng Lehman Brothers như một cú nhấp để Mỹ có cớ bơm ra các gói nới lỏng định lượng QE tổng cộng gần một nghìn tỷ USD sau đó. EU và Nhật nối chân in – bơm thêm tiền giai đoạn 2012-2013 đã tạo ra làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ 2 của Nhật, Hàn, Đài Loan tới các nước ASEAN sau đó, khi mà cung tiền - M2 tăng đột biến cho các hoạt động M&A và tái danh mục đầu tư.
Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội về thu hút FDI nhiều hơn ở thập niên 2008-2018. Thời điểm đó lẽ ra cần đầu tư các đồng vốn vay ưu đãi quý giá vào cơ sở hạ tầng tốt hơn – đã có thể hoàn thành cao tốc bắc nam toàn tuyến lúc đó - thì chúng ta lãng phí nguồn lực cho các cú đấm thép VINASHIN, VINALINES v.v. và mất sạch vốn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008.
Tuy nhiên điểm sáng là với quyết tâm chỉ hơn một năm hoàn thành cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên năm 2014 đã dọn đường cho FDI Samsung smartphone đầu tư – giúp chúng ta có được được dự trữ ngoại tệ cần thiết, ổn định ngoại hối và vĩ mô phát triển kinh tế.
Nhìn toàn bộ diễn tiến đàn nhạn bay ở trên thấy được khi tiến hành công thức thu hút FDI từ thập niên 90-2000 Việt Nam chúng ta chỉ nhận được những việc thâm dụng lao động, giá trị thấp – bán lao động giá rẻ, hoàn thiện, lắp ráp sản phẩm khâu cuối cùng, thâm dụng tài nguyên môi trường, mà không thể nhận được các công việc hàm lượng kỹ thuật cao do đã có một sự phân công trước đó ở các nước công nghiệp Đông Á tốp đầu.
Trong đàn nhạn, mỗi con nhạn sẽ lên một nấc cao hơn và chuyển lại công việc thấp hơn cho con nhạn phía dưới. Ban đầu tất cả các nước này từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, ASEAN-4 đều thúc đẩy phát triển bằng nhờ nguồn vốn bên ngoài đổ vào, khai thác lao động giá rẻ, tài nguyên thô sau đó là tích lũy vốn nội địa, tư bản tự có để tiếp tục tái đầu tư.
Khác với Mỹ la tinh làm tới đâu tiêu tới đó, thì người Châu Á tiết kiệm cao và tích lũy vốn làm nền công nghiệp chuyển sang ngành thâm dụng vốn như sắt thép, đóng tàu, các ngành công nghệ cao vốn lớn v.v. và làm tăng năng suất lao động - tạo ra tăng trưởng và khiến cho động lực tăng trưởng kinh tế vẫn nằm lại Châu Á, và vô cùng khó trở về Mỹ.
Sau 20-30 năm thu hút FDI, những nước đi theo, nếu chỉ bằng bán sức lao động rẻ, không đầu tư đào tạo nguồn lực, nhân tài – những công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn, sự tập trung, dốc sức quyết liệt, đồng lòng của cả nhà nước và quốc dân.
Thì khi hết lợi suất dân số trẻ - dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị để bán sức lao động rẻ, không thể tăng năng suất, vướng bẫy thu nhập trung bình và lại trở lại top nghèo khi mà khối FDI lại chuyển sang các quốc gia khác. Nhất là ở đó, khối FDI – nước sở tại không thể tham gia trong nó, vì không có chiến lược phát triển chính sách công nghiệp theo lợi thế so sánh để đón đầu CMCN, tham gia chuỗi cung ứng - sở hữu nó từng phần rồi biến nó thành của mình như người Trung Quốc đã làm.
Nguyên nhân chủ yếu một quốc gia không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình
Sự thành công của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vượt bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao đều có một mẫu số chung là phát động được khát vọng hùng cường đến toàn dân tộc.
Từ lãnh đạo cao nhất tới nhân dân đều biết tự trọng và xây dựng đất nước mình. Người lãnh đạo có phẩm giá, năng lực tạo nên một khuôn khổ vững chắc để người dân được học hành, làm việc, có năng suất và được tưởng thưởng xứng đáng – điều này không dễ gì đạt được.
Nếu một quốc gia mà nạn tham nhũng là phổ biến, người dân mất niềm tin và chia rẽ thì quốc gia đó sẽ thất bại – thường sẽ không đầu tư đúng nguồn lực tư bản quý giá đã tiết kiệm được sau 20 năm mở cửa - làm trong sạch thể chế, trọng dụng nhân tài để phát triển nguồn nhân lực để đón đầu các công nghệ mới trong giai đoạn cần nâng cấp nguồn lực sang nền kinh tế tri thức mà ở đó cần:
1. Khối học giả - tri thức, nhà khoa học, quan chức kỹ trị tầm vóc thế giới nhằm đưa ra các chiến lược đúng đắn bắt kịp CMCN - chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn tăng năng suất bằng đổi mới sáng tạo.
2. Khối nhà quản lý – chuyên môn quy mô lớn, nhằm thực thi các chiến lược.
3. Lực lượng công nhân tay nghề - kỹ thuật cao đông đảo để chuyển sang sản xuất các loại hàng hóa tinh vi, lợi nhuận nhiều hơn khi tình trạng giá lao động đã tăng lên.
Thái Lan, Malaysia, In Đô đều không thể thoát bẫy thu nhập trung bình sau hơn 50 năm phát triển kinh tế. Chúng ta có thoát được định mệnh mắc kẹt trong mô hình phát triển bán rẻ sức lao động hay không - tùy thuộc vào khả năng nắm bắt trọn vẹn làn sóng dịch chuyển FDI thứ 3, và cái tầm – cái tâm của lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn tới.
1.3 Làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ ba 2025-2035
2012 Obama thực thi chiến lược “Xoay Trục”, 2016-2019 Trump tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ trở về Mỹ, các doanh nghiệp Nhật, Hàn đầu tư sang Mỹ, thì năm 2020 Covid xuất hiện.
Như vậy cùng một tình huống là Nhật sắp soán ngôi vị kinh tế số 1 của Mỹ ở thập niên 90, Mỹ ép Nhật bằng thỏa ước PLAZA, Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ ở thập niên 2020-2030 thì Mỹ không thể ép Trung Quốc một thỏa ước tương tự.
Chỉ khi khủng hoảng covid, Mỹ mới có cơ hội làm một việc tương tự như đã diễn ra trong lịch sử - bơm khoảng 2-3 nghìn tỷ USD chiếm 10-15% GDP Mỹ nhằm cân bằng số thâm hụt tài khoảng vãng lai gần 3,5% GDP - điều này đặt ra một dấu hỏi tranh cãi bất tận – covid là nhân tạo hay thiên tạo – hậu thế sẽ phán xét.
Việc in một lượng lớn Dollar để thực thi PLAZA, thập niên 80 các thể thức cho vay thông qua Worldbank, IMF Mỹ xuất khẩu lạm phát khắp thế giới, thời gian này cũng là thời điểm ra đời phát triển mạnh của các Quỹ phòng hộ - Quỹ đầu tư như Soro, Warren Buffett v.v. đi thâu tóm tài sản giá trị, đầu tư chứng khoán và thao túng tiền tệ các quốc gia đang phát triển.
Mỹ ép Nhật phải tản nhà máy ra Đông Á và Đông Nam Á tạo ra làn sóng FDI thứ nhất 1985-1995, phản ứng với PLAZA bằng nới lỏng tiền tệ, lãi suất hạ xuống dẫn tới bong bóng cổ phiếu và bất động sản ở nước này thập niên 90. Người Nhật mua bất động sản khắp thế giới và cả TOKYO - bong bóng tài chính vỡ và rơi vào suy thoái suốt 3 thập niên tới tận ngày nay và không thể vượt qua Mỹ.
Kế đó là các nước ASEAN-4 tiếp tục theo chân Nhật trong khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – nguyên nhân góp phần làm các nước này không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình – mắc kẹt trong lạc hậu, ngoại trừ Singapore.
Nhưng người Trung Quốc của thế kỷ 21 không giống người Nhật Bản - quốc gia bại trận bị Mỹ đóng quân và có thể ra lệnh về kinh tế. Từ khi xảy ra covid, Trung Quốc thực thi Zero Covid, siết chặt việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư, đầu cơ hay bất cứ lý do gì ngoại trừ thu mua nguyên liệu thô và máy móc thiết bị, công nghệ nhập vào Trung Quốc và gây ra đợt tăng giá nguyên liệu thô và hàng hóa lớn nhất kể từ khủng hoảng kinh tế thế giới 1930.
1.4 Việt Nam chúng ta sẽ không để lỡ làn sóng FDI thứ 3?
Khi cả Trump và cả Biden là chỉ rõ đích danh Trung Quốc là đối thủ thách thức siêu cường và thực thi chính sách di chuyển cơ sở kinh doanh của Mỹ từ Trung Quốc về Ấn – một nền dân chủ với dân số trẻ lớn hơn Trung Quốc - nhằm khai thác lao động rẻ tại Ấn Độ trong thế kỷ 21 và hành động như đã từng thực hiện Toàn cầu hóa – Tân tự do đối với Trung Quốc ở thập niên 1980.
Thì người Nhật đã sớm nhận ra thế giằng co mà người Trung Quốc với Mỹ khi quyết giữ lại toàn bộ thành quả Toàn Cầu Hóa nằm lại Trung Quốc hoặc chí ít vẫn nằm tại Đông Á. Sự phân công chi tiết, chuyên môn hóa tinh vi, mật thiết gắn bó và đặc biệt hiểu nhau sâu sắc giữa các xã hội có chung một nền văn hóa Nho giáo - đã khiến cho Đông Á thành một thể - một khối kinh tế gắn kết.
Mỹ đã không thể theo được TTP trong thực tế. Trung Quốc đã đi trước Mỹ ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP 2020 cùng với các hiệp định ACFTA, AFTA trước đó, ASEAN sẽ nằm ở trung tâm giao lộ quan trọng nhất thế giới về dịch chuyển kinh tế mà Mỹ muốn kéo giãn ra khỏi Đông Á, về Ấn Độ. Khối mậu dịch tự do Asean AFTA, đi lại du lịch, kinh doanh ngắn ngày không cần xin visa, bao gồm 10 nước năng động, chăm chỉ, tiết kiệm, với hơn 600 triệu dân và tổng GDP năm 2020 là 3000 tỷ USD lớn hơn GDP Ấn Độ 2600 tỷ USD, dân số gần 1,4 tỷ người.
Nhật Bản đã thấy, và sẽ nhanh chóng thế chân Mỹ để nắm lấy giao lộ này, tạo ra làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ 3 dự kiến 2025-2035. Bởi thực tế do ảnh hưởng của covid – các quốc gia vẫn khó gỡ bỏ hoàn toàn các rào cản nhập cảnh khi mà dịch bệnh vẫn khó lường, và Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược ZERO Covid gây khó khăn cho dịch chuyển.
Nhật hiểu rõ việc dịch chuyển hết FDI ra khỏi Đông Á tới Nam Á với lực hút kéo lại của hành tinh Trung Quốc đang duy trì là bất khả, bởi lẽ điểm đến - nền dân chủ, dân túy lớn nhất thế giới này - chưa sẵn sàng.
Ấn Độ có ít nhất 15 ngôn ngữ chính, trên 100 tiếng địa phương, nhiều tôn giáo chính với hơn 10.000 vị thần và hàng nghìn bộ tộc tương đương với 28 quốc gia độc lập được kết nối lỏng lẻo. Ở đó khi mà chính sách nâng cấp hạ tầng, sự phát triển ở bang này sẽ bị ngáng trở bởi bang khác do lo sợ quyền lực chính trị - trật tự cũ bị thách thức.
Vì vậy, Ấn tuy có lực lượng lao động trẻ nói tiếng Anh đông đảo nhưng bị mắc kẹt trong nạn tham nhũng ở mức thảm họa, cải cách pháp lý vô cùng chậm chạp và tiết kiệm nội địa thấp – người Ấn có tài năng thì hầu hết chọn con đường ra nước ngoài làm thuê. In Đô, một nước có vị trí trung gian được Mỹ hy vọng sẽ dịch chuyển tới cũng ở trong tình trạng gần tương tự.
Thêm nữa, ứng xử - đối phó với các hành động “thực thi quyền lực đồng tiền siêu cường” cho lợi ích tối thượng Mỹ, Trung Quốc chống lại xu hướng dịch chuyển sang Ấn Độ, In Đô bằng cách khuyến khích dịch chuyển thu hút FDI vào sâu trong nội địa như Quảng Tây, Vân Nam nơi có nhân công rẻ hơn, tài nguyên phong phú và hạ tầng đã cải tạo - nhằm giữ lại các FDI nằm lại Trung Quốc.
Chiến lược Trung Quốc là phát triển nhanh chóng kết nối hạ tầng khu vực phía Tây, Vân Nam với Ấn Độ dương, xây nhanh đường sắt cao tốc, đường cao tốc trên con đường tơ lụa kết nối với Singapore, giúp khu vực kém phát triển phía Tây Nam tham gia vào động cơ trung tâm của Asean. Việc hoàn thành đường sắt cao tốc nối Lào với Côn Minh năm 2021 là một phần trong kế hoạch đó.
Đó cũng là lý do Myanmar có đảo chính quân sự năm 2021 vì có vị trí trọng yếu khi kết nối khu vực này với đầu tiếp dẫn năng lượng LNG - khí hóa lỏng, logistic từ Ấn Độ Dương tới Vân Nam, rút ngắn khoảng cách hơn so với với vùng duyên hải phía đông – tức làm giá thành sản xuất hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn.
Trung Quốc sẽ ôm chặt Nhật hơn nữa về kinh tế, các doanh nghiệp Nhật được ưu đãi đặc biệt trong việc tiếp tục đưa đồng tiền kiếm được ở Trung Quốc đầu tư vào sâu trong nội địa. Hai bên sẽ ôm nhau thật chặt để không ai còn rảnh tay ra cầm vũ khí – thay đổi chính sách an ninh – đâm vào phía bên kia, khi mà lợi ích kinh tế đã vô cùng khăng khít.
Các FDI đều thấy việc chuyển tức thì các nhà máy ra xa khỏi Trung Quốc là bất khả thi bởi sức hút hấp dẫn thị trường Trung Quốc là quá lớn, doanh nghiệp nào mất thị phần ở Trung Quốc là đồng nghĩa với mất vị trí cạnh tranh trên toàn cầu – bởi Trung Quốc có 1 thị trường khách hàng trung lưu và thượng lưu số 1 thế giới.
Khả thi hơn là phân tán, tăng thêm cơ sở sản xuất ở vùng co giãn Trung Quốc +1, Và Việt Nam là cái tên đầu tiên trong danh sách Trung Quốc +1 của hầu hết các doanh nghiệp FDI ở làn sóng dịch chuyển FDI lần thứ 3.
1.5 Như vậy chúng ta đã thấy thiên thời
Việc chúng ta nắm bắt thiên thời trên cơ sở :
Trung Quốc đã thành người khổng lồ và mọi nền kinh tế xung quanh sẽ phải điều chỉnh lại quỹ đạo của nó.
Mỹ lực bất tòng tâm đã chưa thể “Xoay Trục” vì năng lực kinh tế đã bị giới hạn, việc triển khai hậu cần quân sự hơn 8000 hải lý so với 1000 hải lý của Trung Quốc trong biển Đông thì lợi ích Trung Quốc thu được nhiều hơn hẳn. Việc không thể tham gia TTP, các nước trong khu vực tăng cường hoán đổi tiền tệ, thì giới tài chính Mỹ sẽ phải thu hẹp dần hoạt động, rút lui khỏi khu vực.
“Bởi lẽ Tiền - Hàng là 2 mệnh đề triết học gắn bó – tiền chỉ có quyền lực khi nó gắn mật thiết với hàng – mà hàng thì được sản xuất phần lớn tại Đông Á.”
Nhật tiếp tục nối bước cung cấp các gói QE giai đoạn 2020 trở đi, sẽ lấp vào chỗ trống do Mỹ để lại và đóng vai trò như một ngân hàng Trung ương phi chính thức của Asean dựa trên đồng Yên mà các nhà sản xuất, FDI Nhật ở khắp khu vực vẫn đang giao dịch. Có thể thấy các bước đi này đi này khi Tập đoàn tài chính Nhật gia tăng cổ phần tại các ngân hàng trong khối Asean trong đó có Việt Nam khi quan sát trên thị trường tài chính.
Và Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN - “cô gái hấp dẫn chưa được khai phá” còn sót lại có cùng nền văn hóa Nho Giáo – tuy đã mai một, nhạt phai đi ít nhiều. Điều này thể hiện ở sự trọng thị trong các chuyến công du của Thủ tướng Nhật tới Việt Nam.
Nhật Bản sẽ cởi mở chuyển giao công nghệ cho Việt Nam như Mỹ đối với Nhật Bản năm 1945-1980 nhằm củng cố sức ảnh hưởng vùng. Vấn đề là Việt Nam có được nhân hòa không để đón nhận. Sinh viên Việt Nam hiện đang du học tại Nhật Bản đã có thể thấy được cơ hội 2025-2035 về nước khởi nghiệp trong các ngành môi giới thương mại và công nghệ.
(Còn tiếp....Chúng ta có được Địa lợi - Nhân Hòa?)
Các bạn tìm Phần B của Bài viết số 8 này ngay trong Group.
#DongDC Chia sẻ những gì mình biết.